3 Chiến lược phòng chống ma túy với thách thức mới

by aipa2020   

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) vừa qua, các chuyên gia đều cho rằng hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp đe dọa an ninh kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 các nước ASEAN đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép”, điều này đòi hỏi chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Kiên định lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN không ma túy

Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD), tiền thân là Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM) là cơ chế thường niên trong khuôn khổ của AIPA nhằm hỗ trợ việc chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết và kinh nghiệm hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong đấu tranh chống tội phạm ma túy; thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật trong lĩnh vực này trong ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy. Hội nghị AIPACODD 1 tại Singapore vào tháng 6/2018 đã thông qua Nghị quyết về “Các điều khoản tham chiếu của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy”; Hội nghị AIPACODD 2 được tổ chức tại Thái Lan tháng 3/2019 có chủ để “Phát triển thay thế để hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy”.

Các Nghị quyết của AIPACODD và AIFOCOM có nội dung khác toàn diện, bao trùm với mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy. Cụ thể: tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin giữa các nước thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống hiểm họa ma túy; tăng cường kiểm soát các tiền chất ma túy, giảm trồng cây thuốc phiện, tăng cường pháp luật, hài hòa luật pháp ở các nước ASEAN về phòng, chống ma túy; chú trọng vào con người, lấy con người làm trung tâm, tăng cường thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, can thiệp sớm, tư vấn, điều trị, phục hồi chức năng, phòng ngừa tái nghiện, chăm sóc sau cai nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng; phát triển năng lực và nguồn lực quốc gia, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phù hợp, năng cao năng lực ứng phó với ma túy và vai trò thiết yếu của cơ quan lập pháp và cơ chế hợp tác trong khu vực trong công cuộc ứng phó với ma túy.

Trên thế giới và trong khu vực, trong những tháng đầu năm 2020 khi toàn thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID-19, có thể thấy rằng các giải pháp phòng, chống dịch COVID – 19 của các quốc gia có tác động lớn đến thị trường cung – cầu ma túy từ sản xuất, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ ma túy làm phát sinh những thách thức mới trong công tác phòng, chống ma túy của các quốc gia. Suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 gây ra trong thời gian trung hạn có thể dẫn đến sự gia tăng hơn nữa trong sản xuất, buôn bán và sử dụng ma túy. Do đó, chiến lược phòng, chống ma túy của các quốc gia cần có sự điều chỉnh để ứng phó với những thách thức mới liên quan đến đại dịch COVID-19.

Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) trong khuôn khổ hoạt động Năm Chủ tịch AIPA 2020 của Quốc hội Việt Nam

 

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Cần có sự lồng ghép các chính sách ở các cấp

Theo đại diện Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương Inshik Sim, các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng liên tục các vụ thu giữ methamphetamine trong thập kỷ qua, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, các quốc gia trong khu vực xác nhận lượng ma túy bị thu giữ lên đến 115 tấn trong năm 2019.

Lưu ý rằng vấn đề ma túy ở Đông Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh và kinh tế đối với các quốc gia có liên quan, đại diện UNODC khuyến nghị, để vượt qua khủng hoảng này, cần phải cấp thiết xây dựng các chính sách về ma túy mang tính cân bằng hơn trong đó y tế công cộng và sức khỏe về mặt xã hội đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cải cách chính sách.

Đại diện UNODC nhấn mạnh không có một can thiệp nào, chính sách nào hay cơ chế phòng ngừa nào có thể được xây dựng và thực hiện một cách độc lập, riêng rẽ. Do đó, một hệ thống phòng ngừa hiệu quả ở cấp địa phương hay toàn quốc cần được lồng ghép vào một hệ thống lớn hơn, lấy y tế làm trọng tâm, mang tính cân bằng trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến ma túy bao gồm giảm cung, hành pháp, điều trị những rối loạn về sử dụng ma túy và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro có liên quan đến sử dụng ma túy như phòng ngừa lây nhiễm HIV, sốc thuốc…

Do thị trường ma túy bất hợp pháp mang quy mô lớn và ước tính số người sử dụng ma túy tương đối lớn, đại diện Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương Inshik Sim cũng cho rằng việc giải quyết vấn đề mang tính y tế và quyền con người là cấp thiết và quan trọng, đặc biệt là có ảnh hưởng lớn hơn đến những người trẻ. Vì vậy, cần phải có một sự thay đổi trong nhận thức từ chỗ coi những người sử dụng ma túy là tội phạm cần bị giam giữ hay kết án đến chỗ coi họ là những thành viên trong xã hội cần đến các dịch vụ về y tế, tâm lý và phúc lợi xã hội.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, ASEAN đã thực hiện các bước quan trọng để giảm thiểu việc sản xuất và sử dụng ma túy bởi các thách thức vẫn còn phổ biến và các mối đe dọa mới đang xuất hiện. Do đó, cơ quan khu vực đã thông qua Kế hoạch hoạt động của ASEAN về bảo vệ cộng đồng chống lại ma túy bất hợp pháp giai đoạn 2016-2025 nhằm tiếp nối các hoạt động trước đây, trong đó có giáo dục phòng ngừa, thực thi pháp luật, điều trị và phục hồi, nghiên cứu, phát triển thay thế và bổ sung hợp tác xã hội.

Đồng thời, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu nhu cầu và cung cấp thuốc bất hợp pháp thông qua việc áp dụng và thực hiện các chính sách và can thiệp phòng ngừa dựa trên bằng chứng và tuyên truyền thông qua các chương trình nâng cao năng lực, giáo dục, nhận thức và phòng chống lạm dụng, cũng như bằng cách ngừng sản xuất các loại thuốc đó. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải tăng cường nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp; mở rộng các nỗ lực điều trị để cứu sống và thúc đẩy phục hồi và hòa nhập xã hội; thúc đẩy các sáng kiến ​​và biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các hậu quả bất lợi cho sức khỏe cộng đồng và xã hội của việc lạm dụng ma túy; tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực tư pháp, thực thi pháp luật và y tế.

Chú trọng các biện pháp xã hội kết hợp hành chính, hình sự

Chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong dự phòng và điều trị nghiện ma túy, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trên cơ sở các quy định của pháp luật, Việt Nam đã thành lập được hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố với hơn 100 cơ sở cai nghiện, hàng nghìn điểm tư vấn, hỗ trợ xã hội dành cho người cai nghiện ma túy ở xã, phường.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về nỗ lực của ASEAN ứng phó với ma túy, dự báo các khó khăn và thách thức của ASEAN trong giai đoạn tới nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19

 

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo việc làm, vay vốn, ổn định sinh kế cho người sau cai nghiện trở về, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức điều trị, cai nghiện cho gần 300.000 lượt người nghiện ma túy; hỗ trợ tạo việc làm, tạo sinh kế cho hơn 50.000 lượt người sau cai nghiện.

Với những kết quả đạt được, Việt Nam đã rút ra được những kinh nghiệm quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến người nghiện ma túy như: Phải có được sự ủng hộ về mặt chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng, trong đó tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực tiễn; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về tác hại và các ảnh hưởng của ma túy đối với cộng đồng, xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, ma túy và tình trạng nghiện ma túy là một vấn đề xã hội, do vậy để giải quyết phải chú trọng các biện pháp xã hội; kết hợp các biện pháp hành chính, hình sự; đặc biệt phải huy động được hệ thống chính trị, người dân tham gia vào công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy; tham gia vào công tác điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy; hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó phải tập trung xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp, sẵn có và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để hỗ trợ người cai nghiện; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện; Coi trọng thực hiện các biện pháp giảm tác hại, điều trị bằng thuốc thay thế trong các biện pháp giảm cầu ma túy; đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc thực hiện các biện pháp, giải pháp liên quan đến điều trị, cai nghiện ma túy.

Tội phạm và tệ nạn ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu, do đó các chính sách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy phải đặt trong bối cảnh chung của khu vực và trên thế giới. Thực tế này đòi hỏi AIPA thông qua hoạt động của Hội nghị Hôi đồng tư vấn về ma tuý (AIPACODD) tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ các nước thành viên trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý. ASEAN cần phải tăng cường hợp tác trong khu vực và giữa ASEAN và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt, phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy như đã thống nhất trong ASEAN.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc hội/nghị viện các nước thành viên, sự quyết liệt hành động của Chính phủ các nước và sự vào cuộc của toàn thể xã hội, ASEAN sẽ đạt được những thành tựu to lớn trong việc phòng, chống và cai nghiện ma tuý, xây dựng một ASEAN không có ma tuý và xã hội không bỏ ai lại phía sau./.

 

Nguồn: quochoi.vn

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết bạn nên đọc 

Tháng Mười 10, 2022

Tháng Mười 5, 2022

Tháng Mười 4, 2022

Tháng Chín 25, 2022

Tháng Bảy 12, 2022

Tháng Bảy 12, 2022