Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: The ASEAN Inter-Parliamentary Assembly – AIPA), trước năm 2007 là Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (tiếng Anh: The ASEAN Inter-Parliamentary Organization – AIPO), là một tổ chức được thành lập năm 1977 và liên kết chính thức với ASEAN. Sáng kiến này được khởi xướng bởi Indonesia, với sự hỗ trợ của các thành viên khác của các nước thành viên ASEAN 5.

Không giống với Nghị viện châu Âu, AIPA là một hội nghị nghị viện xuyên quốc gia với pháp chế yếu, chỉ có quyền tư vấn và thiếu quyền lập pháp cũng như giám sát đối với chính ASEAN và các thành viên của ASEAN.[2]

Kể từ năm 1979, AIPA đã tổ chức các cuộc họp song phương thường xuyên với Nghị viện châu Âu.

Lịch sử

Năm 1977, 10 năm sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập, nhu cầu về sự củng cố khối đoàn kết vì lợi ích chung tại khu vực trở nên ngày càng mạnh mẽ, các nhà lập pháp cũng nhận thức rằng, sự lớn mạnh của Hiệp hội ASEAN gắn liền với sự liên kết giữa các nghị viện – cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong ASEAN, thôi thúc nghị viện các nước ASEAN tập hợp lại cùng tìm kiếm nguồn động lực mới cho hợp tác khu vực.[3] Ngày 02/09/1977, Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) được thành lập để thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên nhằm đạt được những mục tiêu và khát vọng của ASEAN.

AIPA ngày nay bao gồm đầy đủ 10 thành viên từ ASEAN là các cơ quan lập pháp của Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Brunei và Myanmar trước đây không có cơ quan lập pháp, tham dự với tư cách là Quan sát viên đặc biệt cho AIPA.

Kỳ họp Đại hội đồng Liên Nghị viện

Các kỳ họp Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN được tổ chức hằng năm tại các quốc gia thành viên theo thể thức luân phiên. Tính đến năm 2017 đã có 38 kỳ Đại hội đồng AIPA. Tại mỗi kỳ Đại Hội đồng, AIPO/ AIPA đều có cuộc gặp gỡ với những đối tác đối thoại như Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Papua New Guinea, Nga, Ấn Độ và Nghị viện Châu Âu.

Kỳ họp Ðại hội đồng AIPO lần thứ nhất vào năm 1978 được tổ chức tại Singapore.

Trong kỳ họp Đại hội đồng AIPO 27 tổ chức ở Cebu (Philippines) ngày 14/9/2006, tại phiên bế mạc, tổ chức này đã đổi tên thành Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Bên cạnh đó, AIPO 27 đã bổ sung các điều lệ mới như việc AIPO có một Tổng thư ký chuyên nghiệp theo mô hình ASEAN có nhiệm kỳ 3 năm, Ban Chấp hành và các ủy ban chuyên đề như Ủy ban Phụ nữ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Chính trị, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức được đề cao vai trò và quyền hạn. Đối với nghị quyết do AIPO đưa ra, nghị viện các nước bắt buộc phải phổ biến tới các nghị viện và chính phủ của mình, đồng thời nghị viện các nước thành viên có trách nhiệm báo cáo với AIPO việc các nghị quyết của AIPO đã và đang được thực hiện như thế nào. Chủ tịch AIPO và chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN sẽ tham dự các hoạt động lớn của nhau.

Danh sách thành viên

Thành viên: 10

  • Indonesia (ngày 2 tháng 9 năm 1977): thành viên sáng lập AIPO
  • Malaysia (ngày 2 tháng 9 năm 1977): thành viên sáng lập AIPO
  • Philippines (ngày 2 tháng 9 năm 1977): thành viên sáng lập AIPO
  • Singapore (ngày 2 tháng 9 năm 1977): thành viên sáng lập AIPO
  • Thái Lan (ngày 2 tháng 9 năm 1977): thành viên sáng lập AIPO
  • Việt Nam (ngày 19 tháng 9 năm 1995)
  • Lào (năm 1997)
  • Campuchia (năm 1999)
  • Brunei (ngày 4 tháng 9 năm 2009)
  • Myanmar (ngày 20 tháng 9 năm 2011)

Quan sát viên: 12

  • Úc
  • Belarus
  • Canada
  • Trung Quốc
  • Liên minh châu Âu
  • Ấn Độ
  • Nhật Bản
  • Hàn Quốc
  • New Zealand
  • Papua New Guinea
  • Nga
  • Đông Timor

 

Nguồn: vi.wikipedia.org

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết bạn nên đọc 

Tháng Mười 10, 2022

Tháng Mười 5, 2022

Tháng Mười 4, 2022

Tháng Chín 25, 2022

Tháng Bảy 12, 2022

Tháng Bảy 12, 2022