in Covid-19,

Hiểu về hệ miễn dịch và Vaccine cách thức hoạt động của vắc-xin COVID-19

by aipa2020   

      Một trong những điều tôi học được trong mùa dịch là cách giải thích hệ miễn dịch và vai trò của vaccine. Có lẽ đa số các bạn ngoài ngành y chưa biết hệ miễn dịch và những thuật ngữ, nên tôi mạo hiểm giải thích trong cái note này. Một nhà báo hay hỏi tôi về những thuật ngữ như tế bào B, tế bào T, bạch cầu, kháng thể, v.v. có nghĩa là gì. Tôi hay chỉ cho chị ấy tới những trang web chánh thống của các hiệp hội miễn dịch học để đọc. Nhưng chị ấy than phiền là vẫn thấy khó hiểu, vì hình như các trang web đó viết cho người chuyên môn (như bác sĩ chẳng hạn), mà lại là tiếng Anh nên càng khó hiểu.
     Đúng là như vậy. Vào các trang đó thì cái tốt là có thông tin chánh thống, nhưng cái không tốt là họ dùng thuật ngữ nhiều quá. Họ giả định rằng người đọc đã biết qua một chút về hệ thống miễn dịch. Thôi thì tôi diễn giải những thông tin đó cho các bạn đọc để hiểu một chút (chỉ ‘một chút’ thôi) về sự vận hành của hệ miễn dịch và những thuật ngữ.

Nội dung bài viết

Tóm tắt

     Nói một cách ví von, hệ miễn dịch là Bộ quốc phòng của cơ thể chúng ta. Bộ quốc phòng có nhiều binh chủng được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, và có chức năng bảo vệ quốc gia chống lại kẻ thù từ bên ngoài.
Hệ miễn dịch cũng vậy, tức có nhiều loại tế bào và chúng liên kết với nhau thành một mạng lưới. Chức năng của hệ miễn dịch là giúp cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh. “Vi sinh vật” ở đây bao gồm virus và bacteria.
     Hệ miễn dịch còn là một bộ máy kí ức. Nó giữ hồ sơ các vi sinh vật gây bệnh mà nó đã đánh bại. Điều này có nghĩa là nếu một vi sinh vật (như virus) đã bị đánh bại thì hệ miễn dịch chúng ta nhớ nó, và nếu con virus xâm nhập cơ thể lần nữa thì hệ miễn dịch sẽ nhận ra và tiêu diệt ngay.
Nhưng khổ nỗi là hệ miễn dịch cũng có khi bị … rối. Lí do bị rối thì có nhiều, nhưng khi bị rối loạn thì hệ miễn dịch không nhận ra hay bỏ qua các vi sinh vật nguy hiểm, và chúng ta sẽ đau khổ vì sự rối loạn này.

Hệ miễn dịch gồm những gì?

     Khi nói ‘hệ miễn dịch’, chúng ta nói đến dĩ nhiên là một hệ thống. Hệ thống này bao gồm các cơ phận đặc biệt, các tế bào, và các tín hiệu hoá học, và chúng làm việc nhịp hàng với nhau để chống các vi sinh vật gây tác hại.
Những thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch là: bạch cầu (white blood cells), kháng thể, lá lách, hệ thymus, và tuỷ xương.

1. Bạch cầu

     Đây là những tế bào có lẽ quan trọng nhứt trong hệ miễn dịch. Chúng được sản xuất từ tuỷ xương. Chúng di chuyển theo mạch máu và các mô trong cơ thể để tìm các vi sinh vật ngoại lai. Khi nhận ra các vi sinh vật này, bạch cầu sẽ huy động hệ miễn dịch tấn công chúng.
Bạch cầu bao gồm (ngoài các tế bào khác) tế bào T, tế bào B, và tế bào tiêu diệt tự nhiên (có tên ngộ nghĩnh là “natural killer cells”. Tế bào T được sản xuất từ Tuyến Ức, còn tế bào B từ tuỷ xương (sẽ đề cập dưới đây).
     Tế bào T được chia thành 2 nhóm: tế bào CD4+ và tế bào CD8+. CD4+ có thể ví von là tế bào hỗ trợ, hiểu theo nghĩa chúng giúp các tế bào khác tiết ra cytokine (đây cũng là khám phá của Gs Jacques Miller). Cytokine giúp tế bào B ‘trưởng thành’ và sản xuất kháng thể để vô hiệu hoá các vi sinh vật. Còn CD8+ thì có nhiệm vụ huỷ diệt các tế bào bị nhiễm.
Tế bào B không trực tiếp tiêu diệt virus. Nhiệm vụ của tế bào B là ‘quét dọn’ những ‘rác rưởi’ do tế bào T để lại sau trận chiến huỷ diệt virus. Một chức năng quan trọng khác của tế bào B là sản xuất kháng thể.
Một thành tố khác cũng cần nhắc đến là ‘đại thực bào’ (macrophase). Đại thực bào là một loại tế bào của bạch cầu, chúng có nhiệm vụ bao vậy và nuốt chửng các virus hay kháng nguyên từ virus, rồi dọn dẹp các tế bào đã chết và chuyển ra hệ tuần hoàn.

2. Kháng thể

Kháng thể là những protein có hình giống như cái kềm. Chúng giúp cơ thể chúng ta chống lại các vi sinh vật hay những độc tố mà chúng sản sinh. Kháng thể có thể làm điều này bằng cách nhận ra những chất có tên là ‘antigen’ (kháng nguyên). Kháng nguyên tồn tại trên bề mặt của các virus hay trong các độc tố chúng sản sinh.
Khi kháng thể nhận ra kháng nguyên, kháng thể sẽ dùng cái ‘kềm’ bắt sống chúng, rồi giao cho macrophage (đại thực bào). Đại thực bào ‘nuốt’ kháng nguyên.

3. Lá lách

Lá lách là cơ phận có nhiệm vụ (nói nôm na) là lọc máu, và nó có chức năng loại bỏ các vi sinh vật. Lá lách còn có chức năng huỷ bỏ những bạch cầu cũ hay bạch cầu bị hư hỏng. Lá lách cũng là nơi sản xuất ra kháng thể và lymphocyte.

4. Tuỷ xương

Đây là những mô mềm (giống như bong gòn) nằm trong xương chúng ta. Tuỷ xương sản sinh ra hồng cầu (red blood cells). Hồng cầu có chức năng chuyên chở oxygen, chuyên chở cả bạch cầu để chống lại các vi sinh vật. Ngoài ra, hồng cầu còn chuyên chở cả platelet để giúp đông máu.

5. Tuyến ức (thymus)

Tuyến ức có chức năng theo dõi và lọc máu. Tuyến ức sản sinh ra các bạch cầu T (tức T-lymphocyte). Xin nói thêm rằng khám phá này là từ một nhà khoa học Úc tên là Jacques Miller (Viện WEHI ở Melbourne); đáng lí ra ông được giải Nobel, nhưng chẳng hiểu sao giải đó vẫn chưa đến tay ông.
Sốt là một triệu chứng … làm chúng ta khổ. Nhưng sốt thật ra là tín hiệu cho thấy hệ miễn dịch của chúng ta vẫn còn hoạt động tốt. Sốt là một phản ứng của hệ miễn dịch, khi thân nhiệt tăng thì điều đó có nghĩa là các vi sinh vật đang bị tấn công.

6. Vaccine

Nếu một người đã bị nhiễm nCov thì người đó đã miễn nhiễm do đã có tế bào T và B trong hệ miễn dịch. Nhiều người bị nhiễm nCov từ chối không tiêm vaccine là vậy.
Nhưng đa số chúng ta chưa bị phơi nhiễm với nCov, nên hệ miễn dịch chúng ta chưa có tế bào kí ức T và B. Nói cách khác, chúng ta chưa được bảo vệ. Thành ra, cách để nâng cao độ phòng thủ của hệ miễn dịch là tiêm vaccine.
Khi vaccine chống Covid được đưa vào cơ thể chúng ta, hệ miễn dịch sẽ nhận ra đó là ‘kẻ từ ngoài xâm nhập’, và phản ứng của hệ miễn dịch là sản sinh ra kháng thể chỉ để chống nCov. Do đó, khi người được tiêm vaccine bị nhiễm nCov, thì hệ miễn dịch nhận ra ngay đây là ‘kẻ thù’ và bắt đầu tấn công và tiêu diệt.
Hi vọng rằng các bạn đã hiểu một chút về hệ miễn dịch và ý nghĩa của tiêm vaccine. Dĩ nhiên, những gì tôi mô tả trên đây là đơn giản hoá câu chuyện, vì trong thực tế nó phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, những thông tin trên cũng đủ để các bạn hiểu chức năng của tế bào T, tế bào B, và kháng thể, cùng vai trò của vaccine, và hiểu một chút khi các nhà khoa học dùng những thuật ngữ này.
Hiểu về hệ miễn dịch và Vaccine
Hiểu về hệ miễn dịch và Vaccine
Nguồn: BS Nguyen Tuan
Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết bạn nên đọc 

Tháng mười 10, 2022

Tháng mười 5, 2022

Tháng mười 4, 2022

Tháng chín 25, 2022

Tháng bảy 12, 2022

Tháng bảy 12, 2022