Gửi tham luận tới Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC), TSKH. Văn hóa học Nguyễn Quốc Hưng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất, là mục tiêu cao cả mà Chính phủ, nhân dân các nước ASEAN đã và đang tiến hành, là nền tảng cơ bản để cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung ASEAN tốt đẹp hơn.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Quốc Hưng, trong quá trình toàn cầu hóa, sự hợp tác liên kết cũng như mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng như người dân trên thế giới ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Toàn cầu hóa đang giảm dần các khác biệt về văn hóa, biên giới văn hóa nhân loại được xóa bởi những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin. Các dân tộc hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn và văn hóa trở thành tài sản quý báu chung của cả nhân loại. Trong một mức độ nhất định, các nước nhỏ, kém phát triển có thể nhờ đó mà hiện đại hóa nền văn hóa của dân tộc mình, đi kịp văn hóa thời đại.
Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Nguyễn Quốc Hưng, không phải tất cả những cái mới, cái hiện đại đều tốt, đều cần thiết. Những cái không tốt trong văn hóa cũng có thể nhanh chóng du nhập, ảnh hưởng tới đạo đức, văn hóa truyền thống. Trong giao lưu văn hóa, toàn cầu hóa luôn có hai mặt. Một mặt, tạo điều kiện cho các dân tộc ngày càng xích lại gần nhau, qua đó tăng thêm sự hiểu biết đối với các nền văn hóa khác nhau, nhưng mặt khác nó cũng tạo nên nguy cơ về “Sự đồng hóa các hệ thống giá trị, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa, nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của nhân loại” (UNESCO).
Mở cửa và hội nhập quốc tế là nguyên tắc sống còn để phát triển và tạo nên sự bình đẳng giữa các quốc gia. Những điều kiện do hội nhập quốc tế mang lại đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như đa số thành viên ASEAN chúng ta. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đó, việc liên kết, hợp tác giữa các nước trong ASEAN và giữa từng nước ASEAN với các nước ngoài khu vực cũng như giữa ASEAN với các liên minh khác như EU, AFTA… là tất yếu và cần thiết. Do vậy, hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất, là mục tiêu cao cả mà Chính phủ, nhân dân các nước ASEAN đã và đang tiến hành. Các nước ASEAN nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi giao thoa hội tụ các nền văn hóa thế giới, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, Ấn Độ, văn hóa Âu Mỹ. Sự đa dạng văn hóa trong khu vực góp phần kết nối, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau; đóng góp vào ổn định, hòa bình và phát triển trong khu vực và tiếp tục sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và thay đổi. Là nền tảng cơ bản để chúng ta cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung ASEAN tốt đẹp hơn. Văn hóa và hợp tác văn hóa đã thực sự trở thành nguồn lực chiến lược để phát triển ASEAN.
Ủy viên Thường trực Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, ngay từ khi thành lập, ASEAN đã chú trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa trong ASEAN và ngoài khu vực. Ngày nay, ASEAN đang xây dựng một cộng đồng văn hóa – xã hội, do đó ASEAN càng cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, cần huy động các nguồn khác nhau kể cả nhân lực, vật lực, trí lực để duy trì và làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa rất quan trọng này.
Với chủ trương “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội… Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Do đó, để tăng cường thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, Quốc hội Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị đối tác nghị viện các quốc gia ASEAN vì sự phát triển bền vững chung của khu vực. Chủ đề được lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nhằm thảo luận chia sẻ về các giá trị bản sắc văn hóa riêng trên cơ sở trao đổi những giá trị chung phổ quát trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng. Sáng kiến này đã được các nước ASEAN nhiệt tình hưởng ứng.
Tuy nhiên khi quá trình toàn cầu hóa, giao lưu hội nhập văn hóa trên thế giới và trong khu vực ASEAN đang phát triển mạnh mẽ, từ ngày 01/01/2020 Việt Nam chính thức đảm nhận là Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA thì đại dịch Covid-19 ập đến, gây ra những thiệt hại nặng nề cho Việt Nam các nước ASEAN và thế giới, giao lưu văn hóa bị gián đoạn.
Với bản lĩnh và trách nhiệm của nước Chủ tịch AIPA Việt Nam vẫn kiên trì quyết tâm cùng 7 nước ASEAN khác tổ chức Hội nghị “Đối tác Nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”. Theo Ủy viên Thường trực Nguyễn Quốc Hưng, sự tham gia đông đảo của các nước và khách mời qua hình thức trực tuyến đã minh chứng cho sự thành công của Hội nghị; không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, trách nhiệm của các nước ASEAN mà còn thể hiện văn hóa, bản lĩnh của cộng đồng ASEAN.
Xây dựng hành lang pháp lý: Nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà làm luật ASEAN là nghiên cứu các chính sách của mỗi nước cũng như chính sách chung của khu vực phù hợp với hiện thực hiện nay về văn hóa và bảo đảm việc điều chỉnh các chính sách, pháp luật đối với các vấn đề như: Xác định những nguyên tắc cơ bản của đường lối quốc gia trong lĩnh vực văn hóa; Điều chỉnh các quyền của công dân trong hoạt động văn hóa và tham gia vào đời sống văn hóa; Những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật; Xác định những đặc điểm của văn hóa và hoạt động của các thiết chế văn hóa ở nông thôn và các dân tộc thiểu số miền núi; Giữ gìn văn hóa dân gian truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể của nhân dân các dân tộc ASEAN; Các nhiệm vụ điều chỉnh kinh tế đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; Xác định các lĩnh vực thương mại và phi thương mại trong văn hóa và nghệ thuật, thiết lập các nguyên tắc hợp tác cùng có lợi giữa các khu vực nhà nước, tư nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Bảo hiểm xã hội cho những người hoạt động nghệ thuật, điều chỉnh vị thế hợp pháp các tổ chức xã hội và những người làm nghệ thuật.
Bảo tồn và kết nối các di sản văn hóa: Bảo tồn toàn vẹn không gian và văn hóa dân tộc; Những vấn đề cấp bách hiện nay trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo quản ký ức văn hóa và lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa; Nghiên cứu chiến lược sản phẩm đa ngôn ngữ của truyền thống văn hóa và giáo dục trong thế giới đa dạng như điều kiện của sự phát triển bền vững. Chủ đề này phù hợp với chương trình hành động của UNESCO dành cho các vấn đề bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cũng như việc bảo tồn tính đa dạng văn hóa vốn được cho là điều kiện của sự phát triển bền vững của hòa bình, an ninh ở quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. Xây dựng con đường di sản văn hóa nhằm kết nối giao lưu các nền văn hóa ASEAN.
Huy động nguồn lực: Để thực hiện các mục tiêu cần tạo dựng quỹ phát triển văn hóa ASEAN với sự đóng góp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân.
Trên cơ sở đó, Ủy viên Thường trực Nguyễn Quốc Hưng kiến nghị: Tổ chức diễn đàn văn hóa nghị viện ASEAN hàng năm để tăng cường giao lưu, hiểu biết, chia sẻ thông cảm lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Năm nay Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị dưới hình thức trực tuyến nhưng chúng tôi tin rằng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, mở ra cơ hội và tiền đề cho những năm sau tiếp tục tổ chức “Diễn đàn văn hóa nghị viện ASEAN”. Mỗi năm có một chủ đề khác nhau, sang năm có thể với chủ đề: “Đối thoại văn hóa ASEAN vì hòa bình và phát triển” và do một nước khác trong ASEAN đăng cai. Những năm tiếp theo có thể tổ chức diễn đàn văn hóa nghị viện ASEAN mở rộng có sự tham gia không chỉ các nghị viện mà có cả các thành phần Chính phủ, các nhà chính trị, doanh nhân, văn hóa… các nước ASEAN. Hướng tới diễn đàn ASEAN mở rộng với thành phần tham gia không chỉ các nước ASEAN mà cả những nước Âu Mỹ, Đông Bắc Á…
Để thực hiện được ý tưởng này, Ủy viên Thường trực Nguyễn Quốc Hưng cho rằng Nghị viện ASEAN nên ban hành khung pháp lý chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa ASEAN. Ban Thư ký AIPA có bộ phận làm thường trực của diễn đàn văn hóa nghị viện ASEAN để triển khai việc mở cổng thông tin trực tuyến diễn đàn văn hoá AIPA do Ban thư ký AIPA phụ trách. Góp Quỹ phát triển văn hóa ASEAN do Chính phủ và các doanh nghiệp ASEAN tài trợ. Được hưởng các quyền lợi như quảng cáo, bán sản phẩm…
Đồng thời cần tăng cường hợp tác văn hóa ASEAN thông qua liên kết giáo dục, đào tạo quốc tế về văn hóa trong ASEAN; Củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ ASEAN; Kêu gọi các nghệ sĩ, những người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tham gia vào các chương trình và các dự án đào tạo, trong việc bảo tồn các di sản văn hóa thiên nhiên thế giới cũng như việc quảng bá rộng rãi những di sản này; Tổ chức việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo tàng, dân tộc học và nghiên cứu về văn hóa dân gian; Xây dựng những cơ chế đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có khả năng thực hiện những tương tác liên kết văn hóa và đối thoại văn hóa, vượt qua các rào cản về khác biệt văn hóa; Tổ chức và tiến hành các liên hoan quốc tế, các cuộc thi với chủ đề nền văn hóa không giới hạn ASEAN nhằm tạo sân chơi cho các bạn trẻ tham gia tích cực vào hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, tìm hiểu và học hỏi tốt hơn truyền thống văn hóa cho các quốc gia khác nhau./.
Nguồn: quochoi.vn